Lão tướng Thủ đô mùa giải thứ ba cuối năm 2016. Sau sự cố phải dừng trận đấu giữa Trà Dilmah và Hà Nội 1988, bầu Hồng Trà khi đó điện thoại cho tôi lúc gần 2 giờ sáng. Ông bảo, cả tối về không ăn không ngủ được, xem bóng đá cũng không yên. Vô tình ông đọc bài báo của tôi viết trên Sân Cỏ 365 về sự cố này nên điện thoại thử xem tôi còn thức không? Ông hẹn tôi hôm sau lên quán Dilmah 32 Điện Biên Phủ cafe để… nhờ chút việc.
Quả tình lúc đó tôi cũng chưa biết chuyện gì, chỉ nhận lời bầu Hồng rồi đặt chuông báo thức đến đúng hẹn. Hôm đó, Hà Nội có mưa nhỏ. Chị Hiền chủ quán Dilmah 32 lúc nào cũng dành riêng một bàn ngay cửa ra vào để bầu Hồng ngồi. Buổi sáng quán đông khách đến mấy thì chiếc bàn đó vẫn “bất khả xâm phạm”. Tôi chờ một lúc thì bầu Hồng đến. Đặt nhanh chiếc cặp nâu xuống ghế, ông vào ngay vấn đề bằng một câu hỏi: “Em thấy vụ hôm qua thế nào?” Tôi bảo: “Em cũng không biết nói sao vì cả hai đội toàn các anh. Em chỉ thấy tiếc chút vì nếu không có sự cố này, giải Lão tướng sẽ vui hơn”.
Câu chuyện đột ngột bị ngắt bởi chuông điện thoại của bầu Hồng. Ông ra hiệu tôi chờ chút nghe. Đầu dây bên kia không biết ai, nhưng một mực khuyên bầu Hồng “bỏ giải”, không làm nữa vì vừa… mất tiền, vừa mệt người. Bầu Hồng chỉ cười nhẹ nhàng “Để tính đã, xem thế nào”. Đặt điện thoại xuống, ông bảo, anh bạn anh đấy, thân lắm, lúc nào cũng lo cho nhau. Hôm qua biết chuyện, ông ý gọi cuộc này là 5 cuộc rồi. Bảo, muốn đá bóng đâu thì đá cho vui thôi, làm giải lắm chuyện đau đầu ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Tôi hỏi: “Ý anh thế nào?” Bầu Hồng nói: “Anh nghĩ rồi, cả đêm qua không ngủ. Sự cố với Hà Nội 1988 là do lỗi của Trà Dilmah.
Anh chỉ thương Tệu và trọng tài Kiên B bị đánh đau quá”… Tôi lại hỏi: “Sao lại tại Trà Dilmah anh?”. Bầu Hồng nói: “Dilmah tài trợ giải thì không nên tham gia thi đấu. Vì có công tâm đến mấy, đội bóng được xem là “chủ nhà” vẫn bị điều tiếng là trọng tài ưu ái, là chi phối BTC. Nếu không gặp Hà Nội 1988, đội khác cũng sẽ nói đội Trà Dilmah vậy thôi. Nên anh quyết rồi, Trà Dilmah giải này đang chơi thì chơi nốt, sau giải nghỉ. Từ năm sau anh em Trà Dilmah nếu muốn chơi tiếp thì tự do chơi các đội khác. Còn về việc chung của giải, anh muốn em tham gia cùng BTC làm thật tốt giải Lão tướng”.
Tôi hơi bất ngờ với cách lý giải của bầu Hồng. Rõ ràng hôm đó trọng tài Kiên B bắt chính xác của phạt đền, Coach Tệu bị song phi từ phía sau trong vòng cấm, phần còn lại là các anh Hà Nội 1988 nổi nóng thôi. Trọng tài Kiên B (dù là con nhà võ chính tông) khi đó cũng vô cùng chịu đựng, chấp nhận ăn đòn mà không phản kháng, chỉ chạy. Sau trận, trọng tài này cũng không hề đề cập đến việc BTC phải chịu trách nhiệm hay gì với mình. Giao nhiệm vụ vẫn làm, nghiêm túc và chỉn chu. Coach Tệu thì vẫn thế, vui vẻ xuề xoà nói “xong trận là xong rồi, bọn anh vẫn vui vẻ với nhau”.
Chuyện cũ kể lại, nhưng cách hành xử đầy nhẫn nại của những người trong cuộc khiến ai biết chuyện cũng cảm thấy trân quý! ———- Bầu Hồng sau đó nói rất nhiều, nhưng tựu trung lại, ông khẳng định giải Lão tướng là sân chơi mà ông muốn tất cả những anh em ông tin phải làm bằng được. Ông bảo, các cầu thủ lớn tuổi, từ phủi cũ đến chuyên nghiệp giải nghệ chưa có sân chơi đúng nghĩa. Liên đoàn thì không làm rồi, năm thì mười hoạ mới có trận giao hữu vì mục đích thương mại hay “ai đó” sai bảo, chứ để họ nghĩ đến việc tri ân các cựu cầu thủ như thế này là chuyện… không bao giờ xảy ra.
Cho nên giải, Lão tướng Thủ đô, đá trên mặt sân 7 là sân chơi phù hợp với tất cả. Sâu xa hơn, Bầu Hồng giải thích, giải đấu là cái cớ để các cầu thủ “chưa già lắm về tuổi đời, nhưng lên Lão ở tuổi nghề” có cơ hội gặp nhau, nhìn thấy nhau mạnh khoẻ là mừng lắm rồi. Hơn nữa, giải Lão tướng là sân chơi để các cầu thủ thế hệ sau noi gương, trước là rèn luyện sức khoẻ, sau là gặp gỡ giao lưu, tạo cho sân chơi phong trào Thủ đô và các vùng lân cận một dòng chảy liên hoàn. “Tổ chức giải cho lứa tuổi trẻ đang sung sức thì đơn giản lắm, dễ làm, dễ nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía, từ kinh phí cho đến các khâu hỗ trợ. Nhưng với giải Lão tướng thì có đặc thù riêng, vừa phải đảm bảo tiêu chí “cạnh tranh”, vừa phải đảm bảo tiêu chí… hài lòng.
Các anh lớn mà giận thì khó ăn nói lắm”, Bầu Hồng chia sẻ. Và để giải Lão tướng có thêm sức hút, Bầu Hồng đưa phương án phân hạng League và Cup. Ông bảo, đã là giải thì phải có cạnh tranh, có cái đích mới được. Chứ nếu chỉ phân bảng, thi đấu được thua đơn thuần, xong xuôi rồi ai về nhà nấy cũng dở. Còn các vấn đề phát sinh như ẩu đả, va chạm, ăn thua thì ở đâu cũng có, kể cả giải thế giới, châu Âu hay các quốc gia phát triển khác. Đã làm là mình phải đương đầu. “Nếu cứ thấy khó mà anh em mình lùi thì giải Lão tướng Thủ đô sẽ không tồn tại được. Em nhập cuộc cùng anh xây dựng giải đấu này, cứ làm hết sức sẽ được nhiều đấy. Anh đã nói với Hải bạc, Dũng béo và Khánh rồi. Bây giờ các anh, các chú, các đội bóng chưa hiểu ý nghĩa và giá trị của giải đấu nên vẫn đặt nặng vấn đề ăn thua cho bằng được.
Cũng một phần vì họ chưa hình dung ra hết giải năm nay lại có giải năm sau. Họ chỉ nghĩ chơi được một giải rồi nghỉ như trước đây nên mới căn thẳng. Giờ năm nào cũng có, anh em mỗi người một chuyên môn, chung tay cùng làm ngày càng nâng cao khâu tổ chức thì mọi thứ sẽ ổn”. Thấy tôi hơi lưỡng lự, Bầu Hồng nói tiếp: “Câu trả lời để các đội hiểu có thể cần 5 năm, 7 năm, thậm chí 10 năm, nhưng anh tin sẽ có một ngày, các đội sẽ thấu hiểu một điều: Giải Lão tướng Thủ đô là Tài sản chung, là sân chơi của tất cả chứ không của riêng một đơn vị hay một nhà tài trợ nào. Ai rồi cũng phải già, và rồi ai cũng sẽ phải nghĩ “mình sẽ để lại điều gì cho thế hệ sau”.
Giải Lão tướng không phải điều gì quá to tát, chỉ là sân chơi “tự lực cánh sinh” nhưng nếu tất cả cùng nhau xây dựng thì chúng ta sẽ có một di sản cho cộng đồng phong trào lớn tuổi. Anh nghĩ, người ta có thể châm chước cho các giải đấu tuổi trẻ nếu xảy ra ẩu đả, phải tạm dừng vì sự cố. Nhưng giải Lão tướng mà như vậy thì thực sự đáng buồn. Vì phần lớn các anh em tham gia giải ít nhất cũng ở tuổi làm cha, hoặc lên Ông lên Bà rồi mà đi đá bóng đánh người thì ai nghe được?”. Ngót 6 năm chuyện cũ kể lại.
Gần 3 năm Bầu Hồng xa rời tất cả. Bầu Hồng sẵn sàng bỏ tiền, sẵn sàng hy sinh cả đội bóng ruột thịt của mình chỉ để nuôi dưỡng một giải đấu mà bạn bè, thậm chí cả người thân của ông bảo “chỉ những thằng điên mới lao vào làm”. Mong rằng những hy sinh của ông sẽ được những người tham gia thấu hiểu. Rằng, giải Lão tướng Thủ đô không chỉ có những trận đấu bóng đá đơn thuần, mà cao hơn, giá trị và ý nghĩa nhân văn mang tính “tiếp nối thế hệ” của nó đang được truyền tải!
Nhà báo Vũ Bảo Thắng.