Thầy già, ám chỉ những thầy cỡ xấp xỉ hoặc từ 50 trở lên, lứa tuổi ấy đầy đủ cả trải nghiệm lẫn đúc kết, sức khoẻ chưa phải “bảo dưỡng” nhiều mà vẫn đủ tinh tường để mang lại những giá trị. Trên sân phủi Hà thành, tìm những ông thầy như thế cũng không nhiều… Đồ già đầu tiên được liệt vào hàng tiêu biểu của sân phủ phải kể đến HLV Ngô Tiến Thiết. Thầy đồ Thiết được giới giang hồ quỷ quái của Hà thành vị nể vì tính cách và nghĩa khí. Nếu để chỉn chu sách vở, bài nọ bài kia, ôm sa bàn ra sân vẽ vẽ, chỉ chỉ thì thầy Thiết không thường xuyên làm. Nhưng để “đọc vị” diễn biến trận đấu hoặc tung chiêu hòng thay đổi thế cục thực chiến trên sân thì thầy Thiết thuộc hàng “có sỏi”.
Rất nhiều giải đấu, thầy Thiết cầm đội tưởng “chơi dưỡng già” vẫn biết cách biến cát thành vàng, biến hàng hết đát thành hàng chính hiệu. Giải Fun88 hồi tháng 9 vừa rồi là một ví dụ. Thầy Thiết xấp xỉ sáu chục cầm PSA cũng toàn… con hát già. Một hình ảnh đi ngược lời đúc kết của các cụ ngày xưa. Thủ môn Thịnh “lươn” ngót bốn sọi, Tùng mất trí, Tiến Châu phi, Thọ Xích thố cũng phải tính từ băm trở lên. Chỉ có Đông điên, Minh Báo đen lọt tổ ban bật dưỡng lão ấy được xem là sung mãn.
Ấy thế, nhưng PSA lừ lừ đi một mạch đến trận chung kết, hạ gục Thành Đồng – Barca một thời của bóng đá Hà Nội để lên ngôi vô địch. Trước đó, ở Bán kết, PSA đánh bại dải ngân hà Mobi FC đang trẻ khoẻ, hừng hực tham vọng và khí thế. Để có thành công “nhiều người không tin” đó, vai trò chỉ đạo của Thầy Thiết mang tính quyết định. Nhiều “con hát già” vô địch giải Fun88 tấm tắc khen cách làm tinh thần và đọc tình huống của Thầy Thiết. Rất phủi, rất đời nhưng cũng đầy thực dụng.
Thầy Thiết có thâm niên hàng mấy chục năm lăn lộn sân phủi. Hình ảnh đặc trưng nhất của Thầy là chất giọng khàn pha trộn giữa cổ họng Đàm Vĩnh Hưng và dây thanh quản của Lệ Quyên. Thành ra, âm lượng của Thầy Thiết là thứ âm thanh không thể lẫn lộn trên sân phủi, nhất là khi thầy “âu yếm” các học trò mỗi khi họ không thực hiện đúng ý đồ. Nhưng lạ, hễ Thầy Thiết mà không âu yếm, cả con hát già lẫn con hát trẻ đều nhớ thầy ghê gớm!
Trước, Thầy Thiết có thói quen “cuối chiều không tiếp khách”, muốn gặp chỉ có thể tìm ông ở hàng bia. Lúc đó, nom Thầy Thiết khí thế cao ngất, tay cầm điếu thuốc, mắt ánh lên niềm kiêu hãnh “ông mày chấp tất” với tất cả những đấu sĩ muốn đo tửu lượng thầy.
Nhưng từ khi vào viện nằm tạm một thời gian hồi năm ngoái và buộc phải kiêng đồ uống có cồn thì Thầy Thiết… hay tâm sự nhiều hơn và thường xuyên tiếp khách vào buổi chiều. Chẳng rõ, ngày 20/11 hôm qua, có trò nào qua nhà đo tửu lượng thầy không, hay chỉ mua hoa và mời thầy ra hàng Trà Chanh múa quạt? Bây giờ, thời thế thay đổi, thiên hạ đại loạn, anh hùng – thảo khấu không khác nhau là mấy, nên thầy Thiết cũng phải… giữ sức. Nhỡ gặp mai phục là trở tay không kịp!
++++++++
Sau Thầy Thiết, “Đồ già” trên sân phủi hiện nay chỉ còn cặp Hồng Sơn – Ngọc Anh “Tệu” là đạt chuẩn trên dưới 50. Cả thầy Sơn và thầy Ngọc Anh đều giống nhau ở chỗ, vinh hoa đã trải, đắng cay đã từng, kinh nghiệm thì đầy mình, bí quyết thừa mấy rổ! Thầy Hồng Sơn là đệ nhất cao thủ võ lâm trong thế hệ vàng son cùng ĐT Việt Nam giai đoạn 1993-2001. Gần 30 năm theo nghiệp chuyên, thầy Hồng Sơn được tặng biệt danh “Công chúa”. Nhưng chỉ cần 3 năm gắn mình với sứ mệnh lan toả cùng FC Tuấn Sơn, thầy Sơn cũng được liệt vào hàng “Thầy đồ già”.
Coach Ngọc Anh “Tệu” cùng tổ Thể Công với thầy Hồng Sơn cách đây vài chục năm, cũng ăn tập chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản sân to gôn rộng nhưng sau cùng, Coach Ngọc Anh “Tệu” lại thành danh trên mặt sân nhỏ.
Nếu như những pha xử lý của Hồng Sơn trên sân 11 được ví như bài thơ, thì các đường bóng của Coach Ngọc Anh “Tệu” được liên tưởng đến những bức hoạ. Cả hai đều mang lại những cảm xúc khó mua trên sân cỏ. Người xem nhớ đến họ như nhớ đến những huyền thoại không thể thay thế trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ.
Điểm tương đồng của hai thầy đồ già ngót ngũ tuần này chính là sự chỉn chu và nghiêm túc với nghề. Thầy Hồng Sơn ưa tính hệ thống, đặc trưng của lính quân đội: Làm việc ngăn nắp, có kế hoạch và thường đặt mục tiêu khi hành động.
Các học trò ở Tuấn Sơn lơ là là không được, kém tự giác hay rơi rụng tinh thần là chẳng xong. Tất cả cứ phải thể hiện trên thao trường, cái gì tập luyện trả lời được thì trận mạc có kết quả, có gian khổ mới có vinh quang. Tập là tập, chơi là chơi. Tập 100%, chơi cũng có thể hơn thế nhưng hai thứ không thể trộn lẫn! Dấu ấn của thầy Hồng Sơn sau hơn 3 năm đưa Sơn Tinh xuống núi đầy vất vả nhưng nhìn lại, chặng đường này cũng đáng để hy sinh. Tuấn Sơn bây giờ là đội bóng được thừa nhận trên sân phủi bởi sự tích cực và nghiêm chỉnh, đúng với chất lính mà huyền thoại Thể Công mong muốn xây dựng!
Coach Ngọc Anh “Tệu” không thể hiện nhiều cách thức quân đội như đồng nghiệp Hồng Sơn khi làm việc, nhưng sự đam mê và yêu nghề của ông thì luôn được tất cả trọng thị. Coach Ngọc Anh “Tệu” khi cầm Du Lịch đặt tiêu chí khiêm tốn hàng đầu, biết mình biết ta, liệu cơm gắp mắm. Ông đặt chỉ tiêu cho mình rất cao, kỳ vọng vào thành quả rất lớn nhưng lại luôn bao dung với lỗi lầm của học trò. Coach Ngọc Anh “Tệu” thường chọn cách khách quan để lý giải kết quả trận đấu, thắng – thua với ông phải mang tính nghĩa khí.
Nếu chiến thắng được làm bằng mọi giá, chiến thắng mà phải làm ẩu, làm liều kiểu bất chấp thì chắc chắn Coach Tệu… muốn thua. Thắng phải hân hoan, phía Ta hài lòng, phía Địch chấp nhận mới là đạt chuẩn. Cái nghĩa khí đó, bây giờ tìm đỏ mắt cũng khó kiếm, ngoài Coach Tệu chắc chẳng còn ai. Thế mới có chuyện, bầu Tình ngang dọc từ Bắc chí Nam, cá tính đầy mình, ra quyết định nhanh như cảm tử quân ném lựu đạn cũng quyết mời bằng được “chú Tệu”. Bởi, bầu Tình hiểu được giá trị của một người thầy đối với một đội bóng lớn hơn gấp nhiều lần một danh hiệu.
Cúp, có thể đoạt được tuỳ vào thời điểm hội tụ đủ Thiên Thời – Địa Lợi – Nhân Hoà. Nhưng tìm một người thầy trong đúng câu ca “Thầy Đồ già” của các cụ thì nếu không có Duyên, thì ngay trước mặt cũng “bất tương phùng”.
Ngày 20/11, năm thứ 37 cả nước vinh danh các Nhà giáo Việt Nam, xin viết vài dòng tri ân những thầy Đồ già sân phủi. Tuy chẳng phải phấn trắng bảng đen, không khoa cử bảng nhãn, nhưng sứ mệnh của các thầy cũng đâu kém sự nghiệp trồng người?
Nhà báo Vũ Bảo Thắng.